Hoạt động: TẠO HÌNH
Đề tài: XÉ DÁN ĐÀN CÁ
I/ Mục đích- yêu cầu:
* Kiến thức:
– Trẻ biết sử dụng và kết hợp các kỹ năng xé dán để tạo thành bức tranh có bố cục hài hòa cân đối để xé dán đàn cá đang bơi, sáng tạo thêm những chi tiết phụ để bức tranh thêm sinh động.
– Biết chọn màu để xé cá, sắp xếp tranh có bố cục.
* Kỹ năng:
– Luyện kỹ năng xé bấm cho trẻ.
– Phát triển tư duy sáng tạo cho trẻ khi trẻ xé dán.
– Trẻ có kỹ năng nhận xét sản phẩm.
* Thái độ:
– Giáo dục trẻ ăn uống đầy đủ chất. Biết giữ gìn và bảo vệ nguồn nước sạch.
II/ Chuẩn bị:
– Ba bức tranh xé dán đàn cá: Tranh xé dán đàn cá vào buổi sáng, tranh xé dán đàn cá vào buổi trưa, tranh xé dán đàn cá vào buổi chiều.
– Tranh tạo hình đàn cá từ nguyên vật liệu.
– Giấy A4,bàn, hồ, bút màu…
– Giá treo sản phẩm
– Các bài hát về cá.
III/ Tiến trình hoạt động:
1/ Hoạt động mở đầu:
– Cô nói: Hôm nay trời trong xanh gió mát cô dắt các con đến tham quan phòng triển lãm tranh nhé! Mở nhạc cho trẻ đi đến phòng triển lãm, xem tranh.
– Các con ơi lại đây với cô nào?
– Đến phòng triển lãm các con xem được những tranh gì?
+ Một trẻ: Tranh tạo hình đàn cá từ đá, vỏ ốc.
+ Một trẻ: Tranh tạo hình đàn cá từ lá cây, từ đĩa giấy.
+ Một trẻ: tranh tạo hình đàn cá từ hạt gạo, tranh xé dán đàn cá từ giấy màu.
*Các con biết không đó là những bức tranh đàn cá cô tạo ra từ những nguyên vật liệu khác nhau như từ vỏ ốc, lá cây, viên đá nhỏ, đĩa giấy, hạt gạo thơm…và cũng từ những tờ giấy màu cô xé dán tạo đàn cá thật xinh xắn
– Cá sống ở đâu?
– Cá có những đặc điểm gì? Cá bơi được ở dưới nước là nhờ có gì con? Có vây và có đuôi.
– Vậy để cá sống được trong môi trường nước chúng ta phải bảo vệ nguồn nước , không làm ô nhiểm , các con phải làm gì? Trẻ trả lời
* Để có nguồn nước sạch cho cá sống và bơi được ở dưới nước thì chúng ta phải biết bảo vệ nguồn nước, không làm ô nhiễm nguồn nướcvà các con không được vứt rác bừa bãi nhé
– Cô cháu mình cùng làm những chú cá bơi bơi lội trong nước nào ?
– Lớp hát vận động bài “cá vàng bơi” đến xem tranh.
2/ Hoạt động trọng tâm:
a/ Quan sát đàm thoại tranh:
– Vào một buổi sáng đẹp trời, mặt nước đang phẳng lặng, những chú cá mình tròn đang đùa giỡn, chốc chốc chú ẩn mình trong đám rong rêu trông đáng yêu làm sao.
– Mặt trời càng lên cao, những ánh nắng chiếu xuống mặt nước, mặt nước lăn tăn gợn sóng, những chú cá mình dài đang uốn mình để tắm nắng, vây và đuôi của các chú cá như đang múa lượn theo điệu nhạc.
– Càng về chiều các chú cá mình tròn và mình dài đua nhau đi tìm mồi, chúng bơi nhanh để cố gắng tìm được những con mồi ngon. Khi tìm được mồi các chú cá đua nhau đớp mồi
– Các con vừa xem xong những bức tranh xé dán đàn cá các con có nhận xét gì về những bức tranh này.
– Cô cho trẻ quan sát tranh và đàm thoại qua tranh ( cô mời 3 trẻ nói những hình ảnh trẻ nhìn thấy qua tranh)
– Hôm nay cô muốn các con trổ tài khéo léo của mình thi nhau xé dán đàn cá.
* Cô gợi ý: Để xé đàn cá các con phải dùng kỹ năng xé bấm, nhưng để nhanh và đẹp các con có thể gấp đôi tờ giấy lại, xé bấm lượn theo một đường cong như nửa hình tròn, khi mở ra sẽ được thân cá có dạng hình tròn, cá mình dài các con cũng gấp đôi tờ giấy lại rồi xé bấm lượn theo đường vòng cung dài khi mở ra sẽ được thân cá mình dài. Sau đó con xé đuôi cá, con dùng bút màu vẽ mắt và vây cá, để cho bức tranh thêm sinh động con vẽ sáng tạo thêm ông mặt trời, rong, rêu, đá dưới nước, xếp cân đối và đẹp rồi mới phết hồ vào mặt trái và dán đúng vị trí đã xếp.
– Thế muốn xé dán đàn cá con xé như thế nào ? Trẻ trả lời
– Cô hỏi ý định trẻ xé dán tranh đàn cá (2,3 trẻ)
b/ Trẻ thực hiện:
– Khi trẻ xé cô đi lại chú ý bao quát trẻ , gợi ý trẻ xé, chọn màu phù hợp.
c/ Trưng bày và đánh giá sản phẩm:
– Trẻ xé xong treo bài lên giá
– Đây là những bức tranh xé dán đàn cá của các bạn,. Con có nhận xét gì về bài của bạn.
– Cô mời trẻ lên nhận xét sản phẩm của bạn ( 2-3 trẻ)
– Cô nhận xét tuyên dương bài đẹp, động viên khuyến khích bài chưa đẹp
*Giáo dục : Các con ơi! Cá là động vật sống dưới nước, cho nên các con phải biết giữ gìn nguồn nước không bị ô nhiễm.
– Cá là nguồn thực phẩm có chứa chất đạm, rất cần thiết cho cơ thể chúng ta đấy. – Để có cá ăn bây giờ cô cháu mình cùng đi câu cá nào?
Kết thúc : Cô mở nhạc trẻ hát minh họa bài “Đi câu cá”