Dạy học cho các bé ở lứa tuổi mầm non đòi hỏi chúng ta phải bỏ nhiều công sức và sự kiên nhẫn hơn so với việc dạy toán cho những trẻ lớn.
Các bé mầm non vẫn còn đang bỡ ngỡ, chưa được làm quen với các khái niệm toán học, vì vậy, khi chúng ta hướng dẫn bé học, cần hướng dẫn bé kết hợp các giác quan, phải thử nghiệm và quan sát tỉ mỉ các thứ xung quanh.
Mỗi bé có một tốc độ học hỏi khác nhau nên các ông bố bà mẹ không nên đem con mình ra để so sánh với những đứa trẻ khác, hãy cố gắng khích lệ bé và dạy bé học theo những phương pháp sáng tạo, mới mẻ.
Làm thế nào để trẻ mầm non chú ý tới môn toán?
Trẻ em thường bị thu hút bởi những vật cụ thể, có thể sờ được, nếm được, nói chung là các vật hữu hình, bởi ở độ tuổi này, bé vẫn đang trong quá trình học hỏi, nếu bạn đưa ra những lời giải thích, những vật trừu tượng, bạn rất dễ làm bé chán nản và khó hiểu về những gì bạn nói. Những vật cụ thể này như các vật liệu hình khối, các hình cây, gậy, v. v… sẽ giúp bé nắm bắt nhanh hơn về các khái niệm.
Có nhiều cơ hội tiếp xúc trực tiếp như thế, bé sẽ nhớ lâu hơn, và khi đã hiểu rồi, bé mới sẵn sàng học tập, kết nối các khái niệm , các biểu tượng trừu tượng với nhau.
Một số vấn đề cần lưu ý khi bước đầu cho trẻ tiếp xúc với môn Toán:
Thời gian và vốn từ vựng
Trẻ em cần nhiều thời gian để chơi với các đồ chơi toán học trước khi sử dụng chúng đúng vào mục đích học. Chơi với toán và các hoạt động liên quan đến toán là cơ hội tốt để xây dựng vốn từ vựng liên quan đến môn này. Bé cần phải tiếp xúc với những từ ngữ “chuyên” về toán để sau này có khả năng diến tả hoặc hiểu những gì người khác nói.
Đo lường:
Trẻ em cần sự giải thích hàng ngày của cha mẹ. Hãy luôn cung cấp cho con bạn các đồ vật cụ thể liên quan đến những gì bạn có ý định dạy bé. Khi trẻ được tiếp xúc, được gợi ý để khám phá ra những con số, những ý nghĩa, trẻ sẽ lưu trong đầu rất lâu.
Ví dụ, bạn muốn trẻ có khả năng ước lượng về độ dài, hãy chọn một cuốn sách và các hình khối tương tự như cuốn sách đó. Xếp các hình chồng lên cuốn sách và nói với bé “Con lấy giúp mẹ cuốn sách màu xanh hình chữ nhật dài khoảng 1 gang tay ở trong này nhé”. Lặp lại một vài lần cho đến khi bé lấy chính xác quyển sách mà bạn yêu cầu. Lúc đầu, các bé sẽ chỉ phân biệt màu, về sau bé sẽ chú ý đến độ dài, hình dạng của đồ vật, đồng thời cũng mường tượng được khái niệm hình chữ nhật là như nào.
Tính chính xác
Sau giai đoạn học các khái niệm, mường tượng chung chung, khi các bé lớn hơn một chút, bé sẽ cần chú ý hơn đến tính chính xác.
Bạn có thể dạy bé về tính chính xác bằng các dạy bé đếm, hiểu về các đơn vị đo lường. Sau khi đã biết đếm, hãy thường xuyên đố bé về số lượng các đồ vật trong nhà, số quần áo hay bánh kẹo mà bé được cho.
Trẻ em trong giai đoạn này thường rất hào hứng với những điều mới mẻ và say mê với những câu đố vui. Bởi thế, trong quá trình nói chuyện với bé hàng ngày, bạn hãy tận dụng để lồng ghép, dạy bé học toán một cách tự nhiên. Đừng tỏ ra sốt ruột nếu bạn đã dạy vài lần mà bé vẫn chưa nhớ. Hãy kiên nhẫn bởi bé vẫn đang ở giai đoạn học hỏi những bước đầu.