Báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy, mỗi năm trên toàn thế giới sử dụng khoảng 500 tỷ chai nhựa, hơn 500 tỷ túi ni-lông. Lượng rác thải nhựa đủ để phủ kín gấp bốn lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương. Việc lạm dụng sử dụng túi ni-lông khó phân hủy, các sản phẩm nhựa, nhất là đồ nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả khôn lường với môi trường.
Theo một số nghiên cứu, trung bình để phân hủy hoàn toàn các chất thải từ nhựa và ni-lông phải mất hàng trăm năm. Chất thải nhựa ni-lông khi đốt sẽ tạo ra khí thải tồn tại lâu dài trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe con người; rác thải nhựa nằm rất nhiều dưới đáy đại dương và sẽ trở thành một phần thức ăn đầu độc các sinh vật biển.
Đáng lo ngại, ô nhiễm nhựa gây thiệt hại to lớn cho môi trường và hệ sinh thái như rác thải nhựa bóp nghẹt dòng chảy của các dòng sông, gây phá hủy, hoặc suy giảm đa dạng sinh học. Nhiều loại sinh vật bị chết do vướng vào lưới đánh cá bị mất, hoặc bị bỏ lại trên các đại dương, cũng như ăn nhầm nhựa do nhầm lẫn với thức ăn. Các hạt vi nhựa có lẫn trong nước biển có khả năng hấp thụ các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy có sẵn trong nước biển và trầm tích biển. Các hạt này theo chuỗi thức ăn sẽ làm tăng nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý cho các loài sinh vật bậc cao hơn, bao gồm cả con người.
Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nhất là ô nhiễm rác thải nhựa. Do vậy, hưởng ứng Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn năm 2019”, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) chọn chủ đề “Hành động địa phương, tác động toàn cầu” nhằm kêu gọi toàn bộ hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân cùng chung tay chống ô nhiễm rác thải nhựa tại địa phương mình.
Tại Việt Nam theo số liệu thống kê, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 2.500 tấn rác thải nhựa. Việt Nam đang đứng thứ 17 trong số 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất trên thế giới. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa ra đại dương nhiều nhất thế giới.
Thứ trưởng TN và MT Võ Tuấn Nhân cho biết: Bên cạnh việc phải giải quyết những vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, thì rác thải nhựa, ô nhiễm nhựa đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà con người phải đối mặt. Vì vậy, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn (tuần thứ ba tháng 9 hằng năm) năm 2019, được Liên hợp quốc tập trung vào vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa bằng việc khuyến khích tất cả các quốc gia và địa phương cùng nhau hành động chống ô nhiễm rác thải nhựa.
Hưởng ứng Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn năm 2019” Việt Nam đã lựa chọn chủ đề là “Hành động địa phương, tác động toàn cầu”, trong đó tập trung chống ô nhiễm rác thải nhựa. Đây là nội dung thiết thực, cấp bách trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực để loại bỏ ô nhiễm do rác thải nhựa, đồng thời kêu gọi toàn hệ thống chính trị, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và đồng bào cả nước cùng chung tay, đồng lòng, quyết tâm hành động và thực hiện mục tiêu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đó là đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; phấn đấu đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần...
Để thực hiện tốt mục tiêu đã đề ra, hiện thực hóa chủ đề “Hành động địa phương, tác động toàn cầu”, Bộ TN và MT đề nghị các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng cùng chung tay hành động, triển khai thực hiện các hoạt động như: Không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần tại các cơ quan, đơn vị; phát động phong trào thu gom, phân loại các sản phẩm dùng từ nhựa, bao bì, túi ni-lông và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi ni-lông đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân. Các doanh nghiệp, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, từng bước giảm đến mức thấp nhất, hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần, khó phân hủy; tổ chức sản xuất các sản phẩm thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường bảo đảm chất lượng, kỹ thuật và quy định của pháp luật...
Bộ TN và MT cũng kêu gọi mỗi người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các sáng kiến và hành động cụ thể, thiết thực. Thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni-lông thông qua việc mua sắm, trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày; sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường. Tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống bằng những hành động nhỏ nhất như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu; lên án kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường, thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng…/.