Một số thuốc dùng cho trẻ bị đầy hơi khó tiêu
Chứng đầy hơi, khó tiêu là một biểu hiện rối loạn đường tiêu hóa rất thường gặp, đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ dưới 6 tháng tuổi do hệ tiêu hóa còn non yếu.
Chứng đầy hơi, khó tiêu là một biểu hiện rối loạn đường tiêu hóa rất thường gặp, đặc biệt là trẻ sơ sinh, trẻ dưới 6 tháng tuổi do hệ tiêu hóa còn non yếu. Khắc phục chứng bệnh này, ngoài việc chú ý chế độ ăn uống phù hợp lứa tuổi, cha mẹ có thể cho trẻ sử dụng một số loại thuốc kích thích tiêu hóa để trẻ bớt khó chịu, bỏ ăn hay nôn trớ.
Chế độ ăn phù hợp lứa tuổi
Khi bị đầy hơi, khó tiêu trẻ thường có các biểu hiện khó chịu, khóc, biếng ăn, bỏ ăn, hay nôn, bụng trướng hơi hoặc có thể đi ngoài phân lỏng, phân sệt… Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này ở trẻ như sử dụng thức ăn không phù hợp với độ tuổi (cho trẻ ăn dặm sớm, ăn cơm sớm hoặc ăn các thức ăn mà cơ thể trẻ chưa đủ men để tiêu hóa); do ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn, ôi thiu; do được cho ăn quá nhiều trong một bữa hoặc các bữa ăn quá gần nhau khiến thức ăn chưa đủ thời gian để tiêu hóa hết. Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị đầy hơi do một số nguyên nhân khác như: trẻ bị trào ngược dạ dày - thực quản, nhiễm ký sinh trùng đường ruột, lồng ruột, tắc ruột, không dung nạp đường lactose và tinh bột… Khắc phục tình trạng này, trước hết, cha mẹ cần cung cấp cho trẻ những thức ăn phù hợp với khả năng tiêu hóa ở từng độ tuổi, phân chia lượng thức ăn và thời gian giữa các bữa ăn phù hợp.
Trẻ bị đầy hơi, trướng bụng thường khó chịu, khóc, bỏ ăn...
Một số thuốc chữa đầy bụng, khó tiêu
Nếu điều chỉnh bằng chế độ ăn không có kết quả, cha mẹ cũng có thể sử dụng một số thuốc sau theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Thuốc chống axit, chống đầy hơi: Có thể sử dụng các thuốc chứa aluminium phosphate (phosphalugel), aluminium hydroxyde và magnésium hydroxyde (maalox plus), dimethicone và guaiazulene (pepsane)... Các thuốc này có tác dụng trị chứng đầy bụng trướng hơi. Thuốc được sử dụng sau bữa ăn để đạt hiệu quả cao nhất.
Men tiêu hóa: Thực chất men tiêu hóa là hỗn hợp các enzym khác nhau do chính cơ thể bài tiết ra có tác dụng chuyển hóa các chất trong thức ăn chủ yếu là chất đường (glucid), chất đạm (protein), chất béo (lipid). Chúng được bài tiết từ các cơ quan khác nhau trong hệ thống đường tiêu hóa nhưng trong trường hợp trẻ bị đầy ctrướng bụng thì có thể bổ sung thêm để hỗ trợ tiêu hóa nhưng không nên sử dụng kéo dài vì có thể gây phụ thuộc men tiêu hóa. Ngoài ra, có thể dùng thêm thuốc hỗ trợ sự tiết mật (chophytol) giúp dạ dày tiêu hóa tốt hơn.Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, loại thuốc này có thể pha vào sữa, thức ăn hoặc nhỏ trực tiếp vào miệng trẻ. Đối với trẻ trên một tuổi nên uống sau bữa ăn.
Dung dịch bù nước oresol: Trường hợp trẻ bị tiêu chảy có thể bù lượng nước đã mất bằng oresol. Oresol có tác dụng tăng cường hấp thu natri và nước ở lòng ruột, bù kali đã bị mất do đi ngoài (đặc biệt quan trọng với trẻ nhỏ, vì trẻ mất kali trong phân cao hơn người lớn). Khi pha oresol phải theo đúng tỷ lệ hướng dẫn ghi trên nhãn thuốc, tránh tình trạng pha đặc hay loãng đều làm mất tác dụng của thuốc. Cần lưu ý đến hạn sử dụng trước khi dùng thuốc. Mỗi gói oresol sau khi pha chỉ được dùng trong 24 giờ. Ngoài ra có thể dùng hydrite dạng viên nén thay cho oresol.
Thuốc trị táo bón thẩm thấu (sorbitol, forlax, lactitol): Loại thuốc này chứa các muối vô cơ, đường. Khi uống vào, thuốc giữ nước trong lòng ruột giúp thải phân ra ngoài dễ dàng hơn. Ngoài ra, có thể dùng một số thuốc dạng bơm vào hậu môn hoặc thuốc chứa hợp chất cao phân tử macrogol, thuốc nhuận tràng như osmoglyn, babylax, microclismi.
Phòng ngừa trẻ bị đầy hơi, khó tiêu do nhiễm ký sinh trùng bằng cách cho trẻ tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần. Các thuốc được dùng là loại có phổ rộng và hiệu quả với các loại giun thường gặp như giun đũa, giun kim… Có thể sử dụng một vài loại thuốc thông dụng hiện nay: mebendazole, albendazole...
Một số lưu ý khi dùng thuốc
Các thuốc trên cần để ở trong tủ thuốc, tránh xa tầm với trẻ em và để ở nơi thoáng mát, tránh nơi có nhiều ánh sáng, ẩm, nóng. Chỉ dùng thuốc trị rối loạn nhẹ vài ngày, nếu triệu chứng không đỡ hoặc kéo dài thì cần đi khám tại các cơ sở y tế.
Khi mua thuốc, cha mẹ nên nhờ tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ hướng dẫn cách sử dụng. Nên để thuốc và bảng hướng dẫn sử dụng thuốc trong bao bì và có dán nhãn ngoài ghi rõ tên thuốc. Với những loại thuốc do bác sĩ kê đơn dành cho người trong gia đình đang sử dụng cũng nên để riêng một gói và dán nhãn bao bì. Cha mẹ cũng có thể làm một số biện pháp khác để chữa đầy bụng, khó tiêu cho trẻ như: giúp trẻ trung tiện bằng phương pháp đạp xe đạp, xoa bụng trẻ, chườm nóng vùng bụng…