Mùa dịch bệnh Đông - Xuân đang đến gần, làm gì để phòng bệnh?
Mùa Đông - Xuân ở miền Bắc thường xảy ra rất nhiều dịch bệnh, từ viêm đường hô hấp đến tay chân miệng, sởi, viêm phổi, tiêu chảy... Theo BS. Phạm Hùng - Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời tiết lạnh, ẩm của mùa Đông - Xuân là khoảng thời gian rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, virus) phát triển, tồn tại lâu hơn trong môi trường làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở người và lây lan trong cộng đồng.
Riêng đối với khí hậu miền Bắc, đây là nơi chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi thời tiết mùa Đông - Xuân lạnh hơn so với các khu vực khác, vì vậy làm gia tăng khả năng bùng phát các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như bệnh tay chân miệng, sởi, rubella, ho gà, viêm màng não do não mô cầu, các bệnh cúm gia cầm độc lực cao, cúm A(H7N9), A(H5N1), tiêu chảy do vi rút Rota, …
Bên cạnh đó, nhu cầu đi lại, buôn bán gia cầm tăng nhanh và đây cũng là thời điểm tập trung đông người ăn uống làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như: cúm mùa, cúm gia cầm, ho gà, bạch hầu, sởi, rubella, thủy đậu, viêm màng não do não mô cầu. Cùng với đó, các dịch bệnh như: cúm H7N9, sốt vàng, Mers-CoV... vẫn còn nguy cơ cao xâm nhập vào nước ta.
Ngoài ra, còn có nguy cơ xảy ra các dịch bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa do thực phẩm không đảm bảo vệ sinh trong dịp Tết và mùa lễ hội do tập trung ăn uống đông người như bệnh: tiêu chảy, liên cầu lợn,...
Học sinh tại Trường Mầm non xã Đăk Hà, huyện Tu mơ rông, Kon Tum rửa tay bằng xà phòng trước bữa ăn. Ảnh: D.Hải.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh như sau:
- Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà, thủy đậu …).
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
- Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như cúm, sởi, rubella, thủy đậu... Hạn chế đến những chỗ đông người.
- Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh.
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày. Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình.
- Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời.
Cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch. Ảnh minh họa.
Nên tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch để đạt hiệu quả
Theo BS. Phạm Hùng, hiện nay, Bộ Y tế đã ban hành lịch tiêm chủng mở rộng cho các đối tượng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, bao gồm các loại vắc xin phòng bệnh viêm gan vi rút B, bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, bệnh do Hib, viêm não Nhật Bản B, sởi, bệnh Rubella...
Đồng thời, các loại vắc xin khác cũng được triển khai tại các điểm tiêm chủng dịch vụ theo lịch khuyến cáo của nhà sản xuất.
"Vắc xin cần tiêm đúng lịch, đủ mũi tiêm mới đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất, nếu trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch thì cần đưa trẻ đi tiêm chủng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, để đảm bảo chính xác độ tuổi phù hợp với lịch tiêm chủng, cần đến cơ sở tiêm chủng để được tư vấn và tiêm chủng các vắc xin phù hợp" - chuyên gia y tế dự phòng tư vấn.
Các chuyên gia y tế cũng nhấn mạnh, trào lưu anti vắc xin là một trào lưu nguy hiểm. Việc tiêm chủng phòng bệnh là hết sức quan trọng trong việc duy trì các thành quả mà Việt Nam đã đạt được, không để nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Điều đáng nói là nếu như không duy trì tỷ lệ tiêm chủng thì chắc chắn dịch bệnh sẽ bùng phát và tất cả cộng đồng sẽ gánh chịu hậu quả. Hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ cho từng cá thể và cho cộng đồng.
Ngày nay, mạng xã hội phổ biến là môi trường thuận lợi để tạo nên những tin đồn thất thiệt, những trào lưu phản cảm, những xuyên tạc gây hoang mang cho dư luận, gây thiệt hại nặng nề cho cá nhân, tổ chức hoặc an ninh cộng đồng. Do đó, mỗi chúng ta đều cần cẩn trọng trước mỗi tin tức, trào lưu mới trên mạng xã hội. Các thư viện, các nguồn tin chính thống đều được rộng mở cho việc tra cứu, kiểm chứng mọi nghi vấn về sức khỏe của bạn và gia đình. Hãy tỉnh táo trước khi đặt niềm tin vào một khẳng định, một quan điểm, một trào lưu nào đó. Bởi rất có thể tính mạng của gia đình bạn, của cả cộng đồng sẽ ảnh hưởng rất nhiều vào mỗi quyết định của chính bạn!