Tác hại khôn lường của rác thải nhựa đối với môi trường và cuộc sống
Chất thải nhựa đang là vấn đề môi trường nhức nhối của hầu hết các quốc gia trên thế giới và cả Việt Nam. Ai cũng biết rằng rác thải nhựa mang đến nhiều nguy hiểm, nhưng cụ thể tác hại của rác thải nhựa đối với cuộc sống và môi trường ra sao? Hãy theo dõi bài viết sau để nhìn nhận rõ hơn, từ đó cùng chung tay khắc phục hiểm họa này ngay hôm nay!
Rác thải nhựa ảnh hưởng đến sức khỏe con người, môi trường sống và cả sinh vật biển. (Nguồn ảnh: earth.com)
1. Nguồn gốc phát sinh rác thải nhựa
1.1. Rác thải nhựa là gì?
Rác thải nhựa là những vật dụng làm bằng nhựa, chủ yếu là nhựa PE bị thải ra môi trường sau quá trình sử dụng. Cụ thể như túi nhựa, ống hút nhựa, vỏ chai nước, vỏ chai mắm, muối, các chất dẻo tổng hợp,…
Rác thải nhựa sẽ bị phân hủy dưới ánh sáng mặt trời, tuy nhiên thời gian để chúng phân hủy phải tính bằng hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm.
1.2. Tình trạng rác thải nhựa hiện nay
Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc về tình hình rác thải trên thế giới cho thấy: mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nhựa và 40% nhựa được sản xuất ra không được sử dụng đến. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm thải ra môi trường khoảng 1.8 triệu tấn nhựa với khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa đổ ra biển.
Có thể nói, tình trạng sản xuất, tiêu dùng và thải đồ nhựa đang tăng lên không ngừng, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời thì chẳng mấy chốc môi trường sẽ ngập tràn toàn rác thải nhựa.
Rác thải nhựa không chỉ trôi nổi trên mặt nước mà còn nằm rất nhiều ở dưới đáy đại dương. (Nguồn ảnh: sciencephoto.com)
1.3. Nguồn gốc của rác thải nhựa
Rác thải nhựa sinh ra từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó chủ yếu đến từ:
- Rác thải sinh hoạt như túi nilon, chai nhựa, ống hút nhựa,… của các hộ gia đình.
- Rác thải từ hoạt động sản xuất, thi công trong các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp…
- Rác thải nhựa từ các hoạt động tại các khu du lịch, dịch vụ như cốc nhựa dùng 1 lần, ống hút, chai lọ, hộp đựng thức ăn…
- Rác thải y tế sinh ra từ các hoạt động chuyên môn như kim tiêm, găng tay, chai, lọ thuốc,… và từ hoạt động lưu trú của nhân viên, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân…
Lượng rác thải nhựa y tế thải ra mỗi ngày là rất lớn, đặc biệt đây là loại chất thải đòi hỏi phải có quy trình thu gom, xử lý nghiêm ngặt. (Nguồn ảnh: Môi trường 24h)
2. Tác hại của rác thải nhựa đối với cuộc sống như thế nào?
Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc năm 2018 cho biết: từ năm 1950 đến nay, sản lượng nhựa trên thế giới đã tăng từ 1,5 triệu tấn/năm lên đến 380 triệu tấn/năm. Trong đó chỉ có khoảng 9% nhựa được tái chế, 12% bị đốt, còn lại có đến 79% rác thải nhựa xử lý theo kiểu chôn lấp hoặc bị thải bỏ ra môi trường.
Chính những rác thải bị bỏ ra môi trường và xử lý bằng đốt, chôn lấp đó đang gây ra rất nhiều nguy hại cho cuộc sống.
2.1. Ảnh hưởng của rác thải nhựa đến chính sức khoẻ con người
Rác thải nhựa khi bị thải ra môi trường hoặc bị chôn lấp thì theo thời gian sẽ bị phân rã thành các mảnh nhựa với nhiều kích cỡ micro, nano, pico… khác nhau.
Những mảnh vi nhựa này sau đó sẽ lẫn vào môi trường nước, đất, không khí… khiến cho các sinh vật biển ăn phải. Tiếp đến, con người ăn các loại sinh vật này và sẽ gián tiếp đưa hạt vi nhựa vào cơ thể, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe.
Còn với rác thải nhựa được xử lý theo hình thức đốt thì sẽ sinh ra các khí độc bao gồm dioxin, furan… làm ảnh hưởng tuyến nội tiết, làm giảm khả năng miễn dịch, gây ung thư…
Trong một số loại túi nilon có thể lẫn lưu huỳnh, dầu hỏa nguyên chất, nên khi đốt cháy gặp hơi nước sẽ tạo thành axit sunfuric gây ra mưa axit rất nguy hiểm. (Nguồn ảnh: Luật Việt Phong)
Ngoài ra, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm – Đại học Bách Khoa Hà Nội): Nhiều sản phẩm nhựa kém chất lượng trong quá trình sử dụng sẽ sản sinh ra BPA là chất độc hại, gây ra các bệnh lý nguy hiểm ở người như vô sinh, tiểu đường, ung thư…
2.2. Ảnh hưởng đến hoạt động sống của sinh vật biển
Rác thải nhựa không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các sinh vật khác trên trái đất, trong đó ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là với sinh vật biển.
Rác thải nhựa khi đổ ra biển sẽ gây phá hủy hoặc suy giảm đa dạng sinh học, làm chết các sinh vật biển nếu chúng không may bị mắc vào hoặc ăn phải.
Nhiều sinh vật biển tưởng nhầm rác thải nhựa là thức ăn của mình. (Nguồn ảnh: Thoibaotoday)
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ước tính đã có hơn 100 triệu động vật biển đã chết do rác thải nhựa. Trong đó có hơn 260 loài sinh vật biển đã bị vướng hoặc ăn phải rác thải nhựa, trong đó có cả những sinh vật to lớn như cá voi.
Hẳn chúng ta chưa thể quên được hình ảnh ám ảnh về một chú cá voi khi chết dạt vào bờ biển và trong bụng chứa toàn là rác thải nhựa.
Chú cá voi mõm khoằm Cuvier khi chết đã dạt vào bờ biển Philippines với hơn 40 kg rác thải nhựa trong bụng. (Nguồn ảnh: univision)
2.3. Ảnh hưởng đến môi trường
Theo thông tin đăng tải trên Tạp chí Môi trường thì: rác thải nhựa khi bị chôn lấp sẽ phân rã thành các mảnh vi nhựa nhỏ và nằm xen lẫn trong đất, gây ảnh hưởng lớn đến nguồn nước ngầm.
Còn rác thải nhựa ở trên rừng núi thì khi lẫn trong đất sẽ làm mất kết cấu đất, lâu dần dẫn đến giảm khả năng giữ nước gây ra xói mòn, sạt lở đất ở vùng núi.
Ngoài ra, rác thải nhựa còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp đánh bắt cá, nuôi trồng thủy hải sản của con người. Đơn cử như trên trang thông tin bnews.vn đăng tải rằng:
- Tại Scotland, rác thải nhựa đã gây ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp đánh cá khi tổn thất trung bình khoảng từ 15 – 17 triệu USD/năm, tương đương 5% tổng doanh thu của ngành này.
- Tại Anh và Na Uy, rác thải nhựa cũng chính là nguyên nhân gây ra sự cố của các tàu thủy chân vịt, có tới 286 sự cố này được ghi nhận, mức tổn thất ước tính lên đến 2.8 triệu USD…
Rác thải nhựa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp đánh bắt cá, nuôi trồng thủy hải sản của con người.