Tuyên truyền phòng, chóng cúm A/H1N1 - cần được quan tâm đặc biệt
(TCTG) - Từ khi thế giới xuất hiện cúm A/H1N1, các phương tiện truyền thông trong nước đã thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo về nguy cơ của đại dịch. Đa số người dân đã quan tâm, thậm chí lo lắng và tìm cách phòng, tránh. Nhưng thực tế, không ít người dân vẫn còn thờ ơ, coi thường.Đến những ngày cuối tháng 7-2009, theo cập nhật của Tổ chức phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Mỹ, trên thế giới có 143.841 bệnh nhân cúm A/H1N1 ở 160/193 quốc gia và vùng lãnh thổ. 813 người đã tử vong. Theo giám sát, tuổi trung bình nhiễm cúm ở Mexico là 14 - 15, ở Thái Lan là 10 - 20 tuổi. Tình hình dịch trên thế giới diễn biến rất phức tạp, với số bệnh nhân mới dồn dập. Tại Mỹ khoảng 90% bệnh nhân cúm A/H1N1. Tỷ lệ này tại Singapore là 50%.
Cũng như ở nhiều quốc gia, bệnh nhân cúm A/H1N1 ở Việt Nam khoảng 50% không có các triệu chứng lâm sàng như ho, sốt, viêm họng, tiêu chảy… Trong ngày 22-7, đã có thêm 32 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 được ghi nhận, trong đó 28 trường hợp ở miền Nam; ở miền Bắc và miền Trung mỗi nơi 2 ca. Như vậy, tính đến 17h ngày 22-7, Việt Nam đã ghi nhận 475 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, không có tử vong. Còn 143 trường hợp đang được cách ly.
Đáng chú ý là, ở nước ta, chỉ sau khoảng gần 2 tháng phát hiện những bệnh nhân cúm A/H1N1 đầu tiên, số người dương tính với cúm A/H1N1 tăng nhanh và tăng dồn dập trong những ngày gần đây với 2 chùm ca bệnh cúm A/H1N1 ở xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai (với 24 bệnh nhân) và Trường Ngô Thời Nhiệm-TP.Hồ Chí Minh (có 86 học sinh và 3 giáo viên – tính đến 22/7). Sau đó là Trường PTTH Nguyễn Khuyến-Quận Tân Bình có 2 học sinh dương tính với cúm A/H1N1.
Chiều 21/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở người của TP.Hồ Chí Minh đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp gồm các sở, ngành y tế, giáo dục-đào tạo, công an, quân đội… Theo Bác sĩ Nguyễn Minh Châu: Số người mắc cúm A/H1N1 đã tăng lên nhanh chóng. “Chỉ cách đây 1 tuần chỉ có 19 ca mắc lây chéo trong cộng đồng, nhưng nay đã là 80 ca; thời gian ủ bệnh không còn trung bình 5 – 6 ngày như trước mà qua thực tế, nhiều ca chỉ ủ bệnh sau 1 – 2 ngày là phát sốt, có triệu chứng lâm sàng. Ngày 21/7, Trường ĐH Răng-Hàm-Mặt (Quận 7), đã có ca mắc cúm A/H1N1 đầu tiên. Diễn biến dịch cho thấy sẽ lan rộng trong cộng đồng với số ca tăng nhanh”.
Trong quá trình theo dõi, chỉ đạo, kết quả giám sát của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống bệnh cúm ở người, cho thấy loại bệnh cúm H1N1 đã có hiện tượng lây nhiễm nhanh từ các chùm ca bệnh cúm A/H1N1 và từ địa phương này sang địa phương khác. Như lây nhiễm từ chùm ca bệnh ở tỉnh Đồng Nai về TP.Hồ Chí Minh; từ học sinh phổ thông một số trường ở TP.Hồ Chí minh về nghỉ hè ở quê tại các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hoà, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bạc Liêu, Kiên Giang…
Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H1N1 của Việt Nam đã ở giai đoạn 2 (2A), đặc biệt sau việc phát hiện 2 chùm ca bệnh lây lan trong cộng đồng (giai đoạn 2A) ngày 21/7, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người đã gửi báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, xin ý kiến chỉ đạo cho công tác phòng chống dịch bệnh này được tăng cường hơn nữa tại tất cả các địa phương trong cả nước.
Tại Báo cáo này, Bộ Y tế nhấn mạnh, hiện nay dịch cúm A/H1N1/2009 diễn biến rất phức tạp, virut lây lan nhanh trong cộng đồng, nhiều trường hợp không có triệu chứng; nguy cơ lớn cho sự biến đổi thành chủng có độc lực cao…
Nhằm đối phó với tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh, thành phố tổ chức họp giao ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cúm A/H1N1/2009 các cấp định kỳ hàng tuần, hàng ngày, đột xuất để kịp thời chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch; chỉ đạo việc đóng cửa trường học, cơ quan, hạn chế tập trung đông người khi có ca bệnh lây lan…
Ngày 22/7, Bộ Y tế thông báo dịch cúm A/H1N1 đã chính thức lây lan trong cộng đồng. Trong buổi thông báo này, ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) xác nhận “Dịch cúm A/H1N1 ở Việt Nam đã bắt đầu lây lan trong cộng đồng. Đây là thời gian đầu của dịch bệnh, số lượng bệnh nhân mới, ồ ạt tăng lên, đặc biệt là ổ dịch ở Trường PTTH Ngô Thời Nhiệm, TP.Hồ Chí Minh”. Trước tình hình này, Bộ Y tế đã có một số điều chỉnh trong công tác giám sát, cách ly và điều trị bệnh nhân.
Như vậy, từ khi dịch cúm A/H1N1 xuất hiện và lan ra ở Việt Nam, có thể nêu ra một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm:
1. Bệnh cúm A/H1N1 ở Việt Nam, trong thời gian ủ bệnh, khoảng 50% không có các triệu chứng lâm sàng như ho, sốt, viêm họng, tiêu chảy… nên gặp không ít khó khăn trong việc phát hiện nhanh để cách ly, điều trị.
2. Việc phát triển của dịch hết sức phức tạp, thời gian ủ bệnh không còn trung bình 5 – 6 ngày như trước; nhiều ca chỉ ủ bệnh sau 1 – 2 ngày là phát sốt, có triệu chứng lâm sàng.
3. Trên thực tế, dịch cúm A/H1N1 đã lây lan từ người sang người và lây lan nhanh trong cộng đồng; lây lan từ địa phương này sang địa phương khác. Đến ngày 22/7 đã ghi nhận 475 ca mắc cúm A/H1N1 thuộc nhiều tỉnh, thành phố ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam.
4. Tới nay, thế giới vẫn chưa có thuốc đặc trị cúm A/H1N1.
Từ khi thế giới xuất hiện cúm A/H1N1, Đảng, Nhà nước ta đã rất quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp nghiêm túc thực hiện công tác chỉ đạo và các giải pháp để phòng chống dịch bệnh này. Ngày 14/5/2009, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện (số 732/CĐ-TTg) nêu rõ “Dịch cúm A/H1N1 tiếp tục được phát hiện ở nhiều nước trên thế giới, đang diễn ra rất phức tạp và có nguy cơ xâm nhập vào nước ta” và chỉ đạo phải thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ về phòng chống dịch bệnh nói chung và phòng chống dịch cúm A/H1N1, không được chủ quan, lơ là, “phải tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp để phòng ngừa, phát hiện sớm, ngăn chặn và xử lý kịp thời; kiên quyết không để dịch xâm nhập, lây lan”. Công điện cũng chỉ rõ, cần “Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của người dân về cách biểu hiện bệnh, đường lây nhiễm, cách phòng tránh dịch cúm A/H1N1… Đồng thời vận động mọi người tích cực tham gia việc phòng, chống dịch cho chính bản thân, cho gia đình và cộng đồng”.
Trước tình hình dịch cúm A/H1N1 tại Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn lây lan trong cộng đồng, ngày 25/7/2009, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đã ra Công điện (số 1245/CĐ-TTg) yêu cầu các bộ, ngành chức năng, Chủ tịch UBND các cấp triển khai một số biện pháp cấp bách nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, đặc biệt là hạn chế tối đa tử vong.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu cả hệ thống chính trị, các phương tiện thông tin đại chúng phải tuyên truyền rộng rãi các biện pháp phòng, chống để toàn dân tham gia chống dịch.
Thực tế trên đã rung hồi chuông báo động về dịch cúm A/H1N1 ở nước ta và đặt ra yêu cầu cao hơn về sự chỉ đạo với những giải pháp đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả dịch bệnh nguy hiểm này. Từ kết quả đạt được trong mấy tháng qua có thể ghi nhận những nỗ lực to lớn của ngành Y tế và các địa phương trong phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân mắc cúm A/H1N1. Tính tới 17h ngày 30/7, cả nước đã có tới 794 ca dương tính với cúm A/H1N1, nhưng chưa có ca tử vong hoặc bệnh phát triển quá nặng.
Vậy vì sao chúng ta đã rất cố gắng và có nhiều biện pháp trong phát hiện, ngăn chặn mà số người mắc cúm A/H1N1 ở Việt Nam vẫn tăng và gần đây tăng dồn dập? Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, ở đây chúng tôi chỉ nhấn vào một vấn đề trong giải pháp đồng bộ mà “Công điện” của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra, đó là “Công tác tuyên truyền”.
Từ khi thế giới xuất hiện cúm A/H1N1, các phương tiện truyền thông trong nước đã thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo về nguy cơ của đại dịch. Đa số người dân đã quan tâm, thậm chí lo lắng và tìm cách phòng, tránh. Nhưng thực tế, không ít người dân vẫn còn thờ ơ, coi thường. Có người cho rằng dịch bệnh này đơn giản hơn cúm A/H5N1 vì dịch cúm H5N1 còn có người tử vong, chứ mắc dịch cúm A/H1N1 đã có ai bị sao đâu!... Vấn đề đặt ra là, dù số người thờ ơ, coi thường có ít đi nữa thì họ vẫn là những nhóm người nếu mắc dịch bệnh sẽ có nguy cơ cao truyền bệnh ra cộng đồng.
Để mọi người dân hiểu rõ nguy cơ, tác hại của đại dịch cúm A/H1N1 và sự cần thiết phải phòng tránh cho bản thân, gia đình; chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi đại dịch này, theo chúng tôi, cần đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền và vấn đề cần quan tâm hơn nữa trong công tác tuyên truyền thời gian tới là:
- Tình hình hiện nay đã đòi hỏi một thời kỳ “cao điểm” của công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch cúm A/H1N1. Vì vậy các phương tiện truyền thống đại chúng cần thường xuyên và có chương trình “dài hơi” cho công tác tuyên truyền phòng, chống dịch cúm A/H1N1. Cần tránh sự hoang mang không đáng có, nhưng đã tới lúc công tác tuyên truyền cần đẩy mạnh hơn nữa để góp phần cùng toàn dân nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.
- Tuyên truyền phòng, chống dịch cần chi tiết, cụ thể, dễ hiểu để mọi người dân dễ tiếp nhận thông tin về cách nhận biết triệu chứng mắc dịch, nhất là cách phòng tránh dịch; khi gia đình tiếp xúc với người thân mắc cúm A/H1N1… khi nào thì cần tới cơ quan y tế khám, điều trị; sự cần thiết phải thông báo dịch bệnh với cơ quan chức năng; địa chỉ, điện thoại của cơ quan chức năng nơi gần nhất…
- Phát huy tối đa lợi thế của công tác tuyên truyền miệng ở các địa phương, cơ quan, đơn vị. Cùng với báo cáo viên của cơ quan Đảng, chính quyền làm nòng cốt, rất cần sự quan tâm của các đoàn thể chính trị-xã hội về công tác tuyên truyền miệng để những thông tin về phòng, chống đại dịch cúm A/H1N1 đến với mọi nhà, mọi người.
- Công tác tuyên truyền cần phù hợp với hoàn cảnh thực tế đời sống, dân trí của mỗi vùng, miền, nhất là đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy tối đa thời lượng phát thanh của các đài phát thanh xã, phường, thị trấn về công tác phòng, tránh dịch bệnh và diễn biến về dịch bệnh trong cả nước.
- Cần đa dạng hoá hình thức tuyên truyền vì mỗi hình thức truyền thông có thế mạnh và hiệu quả riêng. Đây cũng là vấn đề chưa được thật sự quan tâm trong công tác tuyên truyền thời gian qua. Có rất nhiều hình thức tuyên truyền cần mở rộng như: Tuyên truyền miệng; các cuộc thi tìm hiểu về phòng, chống đại dịch cúm A/H1N1; các tiểu phẩm; tuyên truyền thông qua những nhân vật được nhiều người biết đến trong giới ca sĩ, hoa hậu, người mẫu thời trang, vận động viên thể thao… và nhất là dùng tờ rơi với những thông tin cần-đủ, sinh động đưa tới từng gia đình ở mọi miền đất nước…
Hiểu để hành động đúng, đem lại lợi ích cho bản thân và cộng đồng luôn là điều cần thiết với người dân trước mỗi biến động của xã hội cũng như trước đại dịch cúm A/H1N1. Vì vậy, công tác tuyên truyền luôn cần đi trước với những biện pháp, cách thức hiệu quả sẽ góp phần tích cực cùng toàn xã hội nhận biết và đẩy lùi có hiệu quả dịch cúm A/H1N1, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển…/.