Văn hóa chào trong và ngoài nhà trường bắt đầu từ “Khoanh tay – Mỉm cười – Cúi chào”.
Mỉm cười cúi chào tuy chỉ là những cử chỉ nhỏ nhưng đó là những việc làm có ý nghĩa lớn. Mỗi lời chào kèm theo nụ cười không chỉ thể hiện sự tôn trọng, chân thành mà còn là một cách ứng xử, thái độ của các em học sinh trong tương lai. Điều này cũng quyết định một phần sự thành công của mỗi con người.
“Ngay từ khi các con đến trường, giáo viên khối MG lớn đã hướng dẫn các con hình thành thói quen chào hỏi từ bác bảo vệ, các bác nhân viên đến các cô giáo trong trường. Các cô cũng dạy các con cách chào, cách nói lời cảm ơn, xin lỗi với cô giáo và các bạn ra sao... Đặc biệt, trong mỗi giờ học, giờ chơi, các cô đều lồng ghép văn hoá chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi vào để giáo dục học sinh từng hành động cụ thể.
"Trẻ con sẽ nhìn vào hành động của người lớn chúng ta để bắt chước và học theo. Trước khi muốn uốn trẻ vào nề nếp, giáo viên phải mẫu mực.
Chúng ta không thể dạy suông được. Nếu muốn các con chào mình, mình hãy chủ động chào trước. Các cô giáo hi vọng ngay ở nhà, phụ huynh hãy tạo thói quen tốt này cho con. Thay vì yêu cầu trẻ phải chào người lớn trước, tại sao người lớn không chủ động chào trẻ trước?
Được tôn trọng từ trong gia đình, chắc chắn đi ra ngoài trẻ sẽ tự tin, biết tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình hơn". Chúng ta vẫn quen nhắc trẻ phải chào người lớn tuổi, nhưng không ít người lớn chỉ biết "nhận" mà không biết "cho".
Như vậy chúng ta có thể thấy một góc nhìn khác về lời chào và cách chào.Trẻ rồi sẽ lớn lên, nhưng hình ảnh tốt đẹp về cô giáo cúi đầu chào phụ huynh, chào trẻ sẽ là ký ức đẹp của đời người, là chất liệu để xây nền văn hóa cho mỗi con người.