Việt Nam phòng chống virus corona như thế nào?
Virus corona gây ra các triệu chứng cúm ở người nhiễm bệnh, có thể với hội chứng hô hấp nghiêm trọng. AFP
RFI
Nằm sát Trung Quốc, trung tâm ổ dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona gây ra, Việt Nam đã ghi nhận 2 ca nhiễm virus và khoảng 40 ca bị nghi lây nhiễm. Nhiều chuyên gia dự báo rất có thể Việt Nam sẽ là quốc gia bị dịch lây lan mạnh nhất ở châu Á, chỉ sau Trung Quốc.
Hôm qua, 27/01/2020, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì một cuộc họp khẩn cấp và tuyên bố phải “chống dịch như chống giặc” để bảo vệ sức khỏe người dân.
Trên thực tế, công tác phòng chống dịch corona tại Việt Nam đang được thực hiện như thế nào ? RFI Tiếng Việt hôm nay 28/01 phỏng vấn bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm của bệnh viện Nhi Đồng 1, Sài Gòn :
Thưa bác sĩ Trương Hữu Khanh, trước hết, xin bác sĩ cho biết là nguy cơ virus corona lây lan sang Việt Nam có lớn hay không ?
Tính ra hiện nay Việt Nam đang đóng dần các cửa khẩu và cả phía Trung Quốc cũng đóng dần cửa khẩu để hạn chế lưu thông từ Trung Quốc vào Việt Nam. Nếu ngừng lại ở đó và kiểm soát tốt, thì khả năng lây nhiễm sẽ giảm. Tuy nhiên, biện pháp đó không đủ, mà cái chính là trong nước, mình phải cẩn thận hơn, bởi vì đã có một số người Việt Nam du lịch từ Trung Quốc, từ thành phố Vũ Hán trở về. Mình bắt buộc phải có những biện pháp thôi.
Việt Nam có những biện pháp gì để phòng ngừa lây lan ?
Thực ra ở Việt Nam cũng đã nhiều lần có những biện pháp phòng ngừa, như đã từng chuẩn bị đối phó với dịch SARS hay MERS, rồi Ebola. Hiện nay, tại các cửa khẩu Việt Nam, tất cả những người từ Trung Quốc qua đều phải làm một tờ khai y tế. Sau đó, họ được dặn là nếu bị bệnh thì phải tự cách ly ở nhà. Những ai bị sốt thì đến ngay sở y tế để xác định lại một lần nữa và dặn họ theo dõi trong vòng 14 ngày, đó là thời gian ủ bệnh tối đa của virus. Qua khỏi được 14 ngày thì thôi.
Còn đối với những người có khả năng tiếp xúc với các bệnh nhân Trung Quốc thì cũng đã phải trải qua quy trình như vậy ngay từ những hôm trước rồi. Ở Việt Nam, khối Y Tế Dự Phòng đảm nhiệm công tác đó. Họ phải nắm những thông tin đó và dặn dò những người có khả năng đã tiếp cận với virus. Khối Điều Trị thì chỉ đặc trách về khâu cách ly và làm xét nghiệm thôi.
Thông tin về tình hình dịch bệnh kỳ này có được thông báo rộng rãi không ?
Thực ra, việc này cũng đã được khởi động cả hơn một tuần nay rồi. Có nghĩa là ngay từ khi ở bên Trung Quốc có tin (về dịch viêm phổi cấp tính) thì cá nhân tôi cũng đã đi họp mấy buổi, cũng phải vào bệnh viện, nói chuyện với nhân viên y tế của bệnh viện, và cũng phải lên trên mạng cộng đồng chia sẻ chi tiết thông tin, để người dân cùng hiểu được bệnh này, để mọi người không lơ là, mà cũng không quá sức căng thẳng về dịch viêm phổi mới.
Mới đây, bộ Y Tế cũng gửi thông tin để mọi người cùng biết và trên hai trang web của Y Tế Dự Phòng Việt Nam và của Thành Phố Hồ Chí Minh. Tôi ở trong ban phòng chống, thường xuyên liên lạc với đơn vị phòng chống. Tôi có ông bác sĩ quen ở bên Cấp Cứu 115, tức đơn vị chuyển bệnh nhân từ sân bay vào bệnh viện trong trường hợp cần thiết. Tôi thường xuyên liên lạc với ông này để có thông tin. Đồng thời, tôi cũng có một người quen bên Y Tế Dự Phòng Thành Phố Hồ Chí Minh và thường xuyên liên lạc với người này để nắm rõ tình hình. Khi lên mạng, tôi xem có thông tin nào bị nhiễu, thì sẽ điều chỉnh lại tránh để công luận hoang mang. Hiện tại mức độ tuyên truyền ở Việt Nam đang rất là tốt.
Việt Nam có nhiều du khách Trung Quốc. Có nên hay không đóng cửa biên giới Trung Quốc để hạn chế nguy cơ lây lan ?
Hiện nay, có một số cửa khẩu tuyên bố đã giảm lượng du khách Trung Quốc vào Việt Nam. Chắc có lẽ là dần dần sẽ tới cái mức đó thôi. Mình cũng phải nghe ngóng xem tình hình diễn biến thế nào, theo dõi đánh giá của thế giới ra sao. Nhưng mà theo thông tin báo chí, có nhiều cửa khẩu đã tạm ngừng tiếp xúc với nguồn du khách từ Trung Quốc vào. Từ ngày 27/01, chính phủ Trung Quốc thông báo ngưng tổ chức các chuyến du lịch ra ngoại quốc. Bắc Kinh không cho công dân đi ra nước ngoài. Còn nhóm những người Việt Nam đi sang Trung Quốc bây giờ quay về nước, thì mình phải để cho họ vào chứ. Nhóm đó có thể mang theo virus thì mình phải xử lý. Tôi có một người quen đi Trung Quốc chơi và khoảng mồng 3 hay mồng 4 Tết mới trở về, rồi cũng có một đoàn đi Vũ Hán cũng phải quay về. Chắc chắn chúng ta phải theo dõi những ca này.
Những người này sẽ bị cách ly 14 ngày, tức là thời gian ủ bệnh ?
Cũng không hẳn là bắt buộc đâu, nhưng mình khuyên họ tự cách ly tại nhà, chứ không thể nhốt người ta được, người ta phải sinh hoạt. Rồi mình phải dặn người ta rất kỹ là nên khai báo nếu có triệu chứng, để có thể điều trị kịp thời. Cho tới hiện nay thì chúng tôi chưa thấy gì.
Bác sĩ có những lời khuyên nào để mọi người tự phòng ngừa ?
Theo tôi, về mặt khoa học, virus corona mới lan nhanh như vậy, thì thật ra, về nguyên tắc, một virus mới đối với tất cả những ai chưa từng tiếp xúc với loại siêu vi đó đều không được miễn dịch, có nghĩa là có khả năng sẽ bị lây. Một khi lây rồi, thì dần dần tất cả mọi người có miễn dịch với nó, khi đó mới không bị bệnh nữa. Giống như với H1N1 hồi 2009 thôi. Thành ra, cái chính là làm sao để virus đừng tấn công mình. Tốt nhất là mang khẩu trang, rửa tay, hạn chế tiếp xúc với đám đông. Nếu biết chắc những người chung quanh có bệnh về đường hô hấp, thì lại càng phải cẩn thận hơn.
Còn người đã bị bệnh, hay những người từ ổ dịch trở về, thì phải có trách nhiệm với cộng đồng, có nghĩa là phải ở nhà 14 ngày, khi nào biết chắc mình không bị nữa thì mới đi ra ngoài. Điều đó tất cả mọi người cùng phải làm thì mới có thể giảm được tốc độ lây lan. Chứ còn nếu mình đặt ra những vấn đề như là nguy hiểm quá, dịch lan nhanh quá ... thì cũng không giải quyết được gì cả. Đó là điều tất yếu. Nếu không tự và cùng phòng chống, thì mức độ lây lan nó là như vậy. Bản chất của một con virus mới là như vậy.