Sinh hoạt tổ chuyên môn - hình thức hiệu quả trong bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên
Sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học: Là một loại hình hoạt động cơ bản của nhà trường, nhằm tổ chức việc học tập, nâng cao năng lực chuyên môn của Gv tại nhà trường thông qua nghiên cứu cải tiến việc học của trẻ trong các hoạt động và bài học hằng ngày. Đây là một hoạt động bồi dưỡng tại trường, do chính giáo viên là người thực hiện bồi dưỡng, gắn lý thuyết với thực hành, nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn của nhà trường.
Sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học tập trung vào việc xây dựng môi trường học tập giữa các giáo viên.
Nghiên cứu việc học là cốt lõi của nghiên cứu bài học, ở đó giáo viên thảo luận:
Điều gì đã xảy ra trong lớp học? Khi nào trẻ học? Khi nào trẻ không học được? Nguyên nhân dẫn tới điều đó? Giải pháp?
Đảm bảo việc học cho mọi trẻ.
Đảm bảo việc học cho mọi giáo viên
Khuyến khích việc học cho cha mẹ, cộng đồng.
Đảm bảo cơ hội học tập và phát triển cho mọi trẻ em: Giúp mỗi trẻ đều được học và học được những điều có ý nghĩa:Trẻ có được học không- đã học chưa? Học như thế nào? Việc học có ý nghĩa không ? Vì sao?
Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học là một loại hình hoạt động cơ bản của nhà trường, nhằm tổ chức việc học tập, nâng cao năng lực chuyên môn của giáo viên tại nhà trường thông qua nghiên cứu cải tiến việc học của trẻ trong các hoạt động và bài học hằng ngày. Đây là một hoạt động bồi dưỡng tại trường, do chính giáo viên là người thực hiện bồi dưỡng, gắn lý thuyết với thực hành, nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn của nhà trường.
Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học đặt trọng tâm vào nghiên cứu cải thiện việc học của trẻ, gắn trực tiếp với diễn biến của hoạt động dạy và học trong mỗi bài học minh họa (là bài học/hoạt động cụ thể trong chương trình giáo dục của nhà trường, do giáo viên thực hiện với toàn bộ trẻ ở nhóm, lớp của mình). Điều này để nhấn mạnh về tính thực tế, chân thực của bài học được sử dụng trong sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học. Ở đây, tìm hiểu việc học của trẻ là để nhận diện được tình trạng học tập của mỗi trẻ, những khó khăn, sai lầm và các yếu tố đang cản trở (hay thúc đẩy) việc học tập của trẻ và tìm ra cách thức để tác động phù hợp, hiệu quả hơn.
Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học diễn ra liên tục qua các chu trình (gồm 4 bước) và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau:
Bước 1: Chuẩn bị và thiết kế bài học minh họa: Bước này tập trung vào xây dựng kế hoạch cho buổi sinh hoạt chuyên môn và thiết kế bài học minh họa.
Bước 2: Thực hiện bài học minh họa và tiến hành dự giờ, quan sát diễn biến quá trình học tập của trẻ. Bước này tập trung vào việc thu thập những bằng chứng sinh động về việc trẻ học như thế nào.
Bước 3: Chia sẻ và suy ngẫm về diễn biến việc học của trẻ trong bài học minh họa. Bước này tập trung vào việc phân tích và suy ngẫm để lý giải cặn kẽ việc học của trẻ.
Bước 4: Vận dụng những bài học thu được từ quan sát, trao đổi trong sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học vào bài học hằng ngày ở các nhóm, lớp khác nhau. Đây là bước đưa kết quả của sinh hoạt chuyên môn vào đời sống nhà trường và tiếp tục cho một chu trình sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học tiếp theo.
Bốn bước trong quy trình sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học được tổ chức để giáo viên nhà trường cùng thực hiện với nhau. Mỗi bước đều mở ra những cơ hội để giáo viên cùng nhau hiểu rõ hơn về việc học của trẻ và những cách thức để dẫn dắt việc học của trẻ một cách hiệu quả.
Chất lượng sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học sẽ mang đến những thay đổi, phát triển không chỉ của giáo viên, trẻ mà đến toàn bộ đời sống của nhà trường. Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học là con đường để đưa giáo viên vào những tình huống sát thực về chuyên môn, kích thích sự chia sẻ và học hỏi những hiểu biết và kinh nghiệm của nhau, qua đó giáo viên ngày một phát triển và trưởng thành, mà kết quả tất yếu là chất lượng dạy học và giáo dục của nhà trường sẽ ngày càng được cải thiện hơn. Điểm khác biệt trong sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học là ở chỗ sự hiểu biết về việc học của trẻ được dựa trên những chứng cứ khách quan thu thập được ở một bài học minh họa cụ thể, cả những hành vi bên ngoài và những dấu hiệu về quá trình tư duy bên trong não của trẻ. Những hình ảnh về nét mặt, ánh mắt, cử chỉ, lời nói, hành động, tư thế và quá trình thực hiện nhiệm vụ cùng những kết quả đạt được là những thông tin cần thiết để nhận diện một cách chính xác nhất về việc học của trẻ nào đó. Đó là nguồn dữ liệu cho những phân tích, thảo luận trong buổi chia sẻ sau dự giờ giữa các giáo viên về việc học của trẻ và cách khắc phục những vấn đề đã chỉ ra. Việc nhận ra được trẻ nào đang học hay đang không học, cách trẻ thực hiện các nhiệm vụ được giao, những sai lầm hay khó khăn trẻ gặp phải trong diễn biến một bài học cụ thể sẽ giúp giáo viên kết nối với hiệu quả của các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học được sử dụng trong tiến trình bài học.
Để đáp ứng nhu cầu xã hội hiện nay, người giáo viên cần phải luôn luôn rèn luyện đạo đức, tự học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao khả năng sư phạm, đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh, nhu cầu học tập của trẻ và yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo hiện nay./.