Mất bình tĩnh, la hét, so sánh… là những lỗi mà phụ huynh nên tránh khi trách phạt con.
Cha mẹ cần giữ bình tĩnh để xử lý chính xác tình huống khi con mắc lỗi. (Ảnh minh họa)
Mất bình tĩnh
Việc la hét lên với con khi chúng mắc lỗi chẳng thể giúp bạn giải quyết được vấn đề. Vì thế, bạn nên nguôi giận trước tiên và giữ cho bản thân thật sự bình tĩnh. Giọng nói bình thường, âm lượng vừa phải sẽ tạo nên sự khác biệt, giúp bạn xử lý chính xác tình huống gặp phải.
Mắng chửi nơi công cộng
Bạn bực tức vì hành động nguy hiểm của con như nô đùa chạy ra đường, đẩy em khỏi xích đu... Tuy nhiên, bạn nên tránh mắng chửi con trước mặt nhiều người. Nên tìm và chọn một nơi riêng tư nhất có thể để nói với con về những gì vừa xảy ra. Trò chuyện ngắn gọn về lỗi của con, cho con biết sẽ giải quyết mọi chuyện khi về nhà, con sẽ tôn trọng lời nói của bạn hơn. Tất nhiên, bạn cần thực hiện đúng như đã nói với con khi về tới nhà.
Hướng dẫn không rõ ràng
Cả tỷ lần bạn nói sẽ phạt nếu con vứt lung tung áo quần xuống sàn nhà khi thay ra, vậy tại sao con vẫn tiếp tục tái diễn? Có thể con đã không thực sự nắm bắt được rõ yêu cầu của bạn. Nhắc nhở con về một hành vi nào đó, bạn cần chỉ dẫn càng cụ thể, rõ ràng càng tốt. Hướng dẫn con nhặt áo quần chúng vứt bừa bãi trên sàn nhà, mang để vào chậu hoặc máy giặt thay vì chỉ yêu cầu con bằng lời nói. Hoặc ngay từ đầu, bạn nên hướng dẫn con cách để áo quần bẩn vào nơi quy định.
Việc con phạm lỗi, cha mẹ hãy giải thích ngắn gọn để con hiểu, tiếp thu và thay đổi. (Ảnh minh họa)
Trách phạt khi mệt mỏi
Bạn không thể mong đợi có trạng thái tâm lý tốt khi bản thân mệt mỏi hay đói bụng. Bởi vậy, những lúc này bạn nên tránh trách phạt con. Cảm xúc không tốt dễ khiến bạn căng thẳng hơn với con và mọi việc càng trở nên tồi tệ, khó giải quyết.
Nói đi nói lại
Việc con phạm lỗi, bạn hãy giải thích ngắn gọn để con hiểu, tiếp thu và thay đổi. Không nên cho con một "bài giảng" lý thuyết dài dòng, lan man, lặp đi lặp lại. Bởi con bạn sẽ thấy khó hiểu, khó tiếp thu hết và bất hợp tác. Bạn nên giải thích một lần ngắn gọn tại sao con sai, đưa ra hình thức phạt phù hợp nếu cần thiết, để con không tái phạm và không phạm tiếp lỗi cũ.
Luôn so sánh
Bạn rất dễ so sánh con mình với những đứa trẻ khác, nhất là khi con mắc lỗi. Những đứa trẻ "con nhà người ta" được đem ra làm ví dụ cho sự ngoan ngoãn, nghe lời… Nhưng cách tiếp cận này khiến con bạn khó chịu, tự ti và càng muốn chống đối tất cả mọi người.
Không nên trách phạt con khi mệt mỏi, điều này khiến mọi việc càng trở nên căng thẳng hơn. (Ảnh minh họa)
Phạt tùy tâm trạng
Khi con mắc lỗi, hình thức phạt phải phù hợp, bạn không nên phạt tùy tâm trạng vui, buồn hay tùy mức độ thất vọng của mình. Để làm được vậy, bạn nên thiết lập các quy tắc riêng ở nhà cho con. Ví dụ, nếu con không chọn rửa sạch bát sau khi ăn cơm xong thì con không được phép xem chương trình tivi yêu thích.
Không nhất quán
Bạn trách mắng con vì không chịu dọn dẹp phòng ngủ, nhưng lại rất nhiều lần bỏ qua việc này. Cách của bạn làm đang không nhất quán. Trẻ cần được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về những gì bạn cần chúng làm, thực hiện. Ví dụ, cha mẹ muốn con dọn phòng ngủ mỗi tuần, hãy đánh dấu vào lịch để chúng nhớ. Hãy kiên định và nhất quán trong việc thực thi các quy tắc.
Thiếu tôn trọng
Bạn luôn yêu cầu con phải tôn trọng mình, nhưng lại quên mất sự tôn trọng là con đường hai chiều. Sai lầm phổ biến nhất bạn mắc phải khi kỷ luật con là la hét, tức giận, thậm chí xúc phạm gây tổn thương chúng. Bởi thế, bạn nên bình tĩnh và giải quyết vấn đề theo hướng tôn trọng nhất định dành cho con.