1. Giữ bình tĩnh và trấn an
Trẻ em thường đón nhận sự lo lắng thông qua các cử chỉ bằng lời nói và hành động của cha mẹ. Vì vậy, bạn nên gác lại sự căng thẳng của chính mình khi tiếp xúc với trẻ em để chúng cảm thấy an toàn. Việc nói chuyện và duy trì sự điềm tĩnh sẽ giúp xoa dịu nỗi sợ hãi của bé.
Bạn hãy đặt mình vào tâm lý của con để diễn đạt theo cách đơn giản và dễ hiểu nhất để giúp cho con hiểu rằng mọi thứ vẫn an toàn, đồng thời hướng dẫn trẻ thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm vi rút Corona như rửa tay với xà phòng và nước, đeo khẩu trang y tế khi đến nơi công cộng. Việc này cũng nhằm hình thành thói quen tốt ở trẻ.
2. Cung cấp vừa đủ thông tin về vi rút Corona
Đừng cung cấp quá nhiều thông tin về vi rút Corona vì điều này có thể khiến trẻ sợ hãi. Bạn cần cân bằng giữa việc lựa chọn và cung cấp những thông đúng sự thật nhưng tránh làm cho bé hoang mang. Vì vậy, thay vì đi sâu vào chi tiết, hãy trả lời tốt nhất có thể cho câu hỏi của trẻ. Hãy diễn đạt bằng những thông tin trẻ có thể tiếp thu và giúp chúng có thể tự bảo vệ bản thân.
3. Luôn chủ động và sẵn sàng
Sự chủ động và thái độ luôn sẵn sàng trò chuyện của bạn sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái khi mở lòng với cha mẹ bằng những câu hỏi và chia sẻ về mối quan tâm của bé. Vì vậy, bất cứ khi nào rảnh rỗi, bạn hãy khởi đầu những cuộc trò chuyện thú vị. Những cử chỉ nhẹ nhàng, sự kiên nhẫn lắng nghe sẽ là một “liều thuốc" tâm lý hiệu quả đối với mọi đứa trẻ.
4. Giải thích các biện pháp phòng ngừa virus Corona
Dạy trẻ về những cách chúng có thể tự bảo vệ mình trước vi rút Corona có thể giúp chúng cảm thấy kiểm soát được tình hình tốt hơn. Bạn nên giải thích tầm quan trọng của các biện pháp phòng ngừa như cách rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang đúng cách, dùng khăn giấy khi ho và cách ly xã hội...
Dạy cho trẻ biết các biện pháp phòng ngừa vi rút Corona (nguồn: Internet)
5. Nói về những gì đang được thực hiện để ngăn chặn sự bùng phát của vi rút Corona
Trẻ sẽ cảm thấy yên tâm khi biết rằng có những “người lớn” trên thế giới đang tích cực chiến đấu chống lại vi rút. Nếu bé cảm thấy bí bách với những thay đổi trong thói quen của chúng, bạn cũng có thể giải thích rằng nhiệm vụ cách ly xã hội và ở nhà đang giúp chúng an toàn và khỏe mạnh trong đại dịch vi rút Corona.
6. Thường xuyên chú ý đến những thay đổi tâm sinh lý của trẻ
Tiếp tục những cuộc trò chuyện và cung cấp thêm thông tin cho con khi tình hình dịch bệnh vi rút Corona có sự tiến triển. Điều này sẽ giúp bạn theo dõi diễn biến sức khỏe và tinh thần của con. Hãy để mắt đến sự lo lắng hoặc buồn bã, thói quen ăn uống hoặc ngủ không lành mạnh, biểu hiện khó tập trung... của trẻ vì chúng có thể là dấu hiệu của những bất ổn tâm sinh lý.