Phụ huynh thời nay luôn cố tự làm mọi việc để trẻ có nhiều thời gian học mà không biết điều này tước đi một phần cơ hội thành công của con.
Một nghiên cứu mới cho thấy dạy con biết lau nhà, đổ rác, chùi cửa... sẽ góp phần xây dựng cho trẻ khả năng tự chủ, biết chịu trách nhiệm, cảm thông, tôn trọng người khác và bạn dạy con làm việc nhà càng sớm càng tốt
Theo Fatherly, nghiên cứu này được thực hiện với 84 trẻ trong suốt những năm mầm non và sau đó lúc trẻ lên 10, 15 và đến giữa độ tuổi 20. Kết quả là, những trẻ bắt đầu làm việc nhà từ 3, 4 tuổi thì có nhiều khả năng xây dựng được các mối quan hệ tốt, đạt được thành công trong học tập và tự chủ hơn những trẻ đến tuổi teen mới làm việc nhà hay chẳng đụng tới việc gì.
Richard Rende, chuyên gia tâm lý phát triển tại Arizona, Mỹ và là đồng tác giả cuốn sách về nuôi dạy con Raising Can-Do Kids, cho biết, để đạt được kết quả học tập tốt cũng như làm chủ các kỹ năng xã hội, làm việc nhà thực sự tốt hơn bất cứ hoạt động ngoại khóa nào của trẻ. "Phụ huynh ngày nay muốn con dành thời gian cho những thứ có thể giúp chúng thành công trong tương lai, nhưng trớ trêu thay, chúng ta lại ngừng làm một việc mà thực sự đã được chứng minh là giúp trẻ thành công - đó chính là việc nhà", ông nói
Vài gợi ý dưới đây giúp bạn rèn con làm việc nhà hiệu quả:
- Chú ý đến việc nói thế nào hơn là nói gì: Cảm ơn con vì đã là một người hữu ích sẽ khiến trẻ suy nghĩ tích cực về bản thân. Câu nói: "Chúng mình cùng làm việc nhà thôi" nhấn mạnh sự hợp tác. Khi bạn hay phàn nàn về việc nhà thì trẻ cũng như vậy.
- Ưu tiên thời gian làm việc nhà: Nên coi việc này cũng quan trọng như việc trẻ làm bài tập hay tham gia các buổi ngoại khóa.
- Biến việc nhà thành trò chơi: Chẳng hạn: "Con có biết kỷ lục thế giới về việc thay túi rác là 48,7 giây không? Liệu con có vượt được kỷ lục này không nhỉ?".
- Tập trung vào gia đình: Bất cứ việc gì bạn bảo con làm, nên vì lợi ích của mọi người trong nhà chứ không chỉ vì trẻ (hay vì bạn).
- Không thưởng tiền cho con làm việc nhà: Cho tiền để trẻ giúp việc nhà sẽ gửi đi một thông điệp sai. Trẻ nên nhận được tiền tiêu vặt nhưng không phải để trao đổi cho việc mình làm.