Giấc ngủ đối với trẻ rất quan trọng vì có tác dụng giúp cơ thể bé phục hồi sức khỏe và phát triển. Khi đang ngủ, tuyến tiền yên trong não của trẻ sẽ tiết ra hoóc môn tăng trưởng.
Tùy theo lứa tuổi và đặc điểm hoạt động của hệ thần kinh, mỗi trẻ có nhu cầu ngủ khác nhau. Thường trẻ 2 tuổi sẽ có nhu cầu ngủ từ 12 đến 14 tiếng mỗi ngày.
Khi chu kỳ thức – ngủ ở não bị rối loạn sẽ gây ra những rối loạn về giấc ngủ. Phần lớn trường hợp bị rối loạn giấc ngủ đều không tìm ra được nguyên nhân.
Tốt nhất, nên cho trẻ làm một số xét nghiệm để xác định một số yếu tố vi lượng như canxi, magie, kẽm…Nếu vẫn chưa xác định được, có thể cho trẻ làm điện não đồ, siêu âm thóp…
Nếu tất cả những xét nghiệm này cho ra kết quả bình thường thì các bác sỹ có thể sẽ kê đơn thuốc để điều chỉnh lại giấc ngủ của trẻ. Còn nếu điện não đồ bất thường thì có thể phải điều trị lâu dài bằng thuốc điều trị động kinh.
Nguyên nhân gây tình trạng bé 2 tuổi hay khóc đêm
Trẻ 2 tuổi hay khóc đêm là do rất nhiều nguyên nhân, dưới đây là một số những nguyên nhân phổ biến nhất:
Do rối loạn tiêu hóa
Trẻ 2 tuổi rất dễ bị đầy bụng, chướng gây ra do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý. Mẹ cho trẻ ăn quá no, hoặc ăn các thức ăn mà cơ thể trẻ chưa đủ men để tiêu hóa. Điều này khiến thức ăn chưa tiêu hóa hết ứ đọng trong lồng ruột bị vi khuẩn lên men và gây ra tình trạng đầy hơi.
Việc này làm cho trẻ không ngủ được và hay trẻ quấy khóc.
Trẻ bị đói
3 năm đầu đời là giai đoạn trẻ phát triển với một tốc độ đáng kinh ngạc. Chính vì thế, cơ thể thường đòi hỏi nhiều hơn về nhu cầu dinh dưỡng.
Nhất là những ngày trẻ vui chơi, nô đùa nhiều thì hôm đó, mẹ cần cho trẻ ăn nhiều hơn bình thường. Nếu không như vậy, trẻ sẽ dễ đói, đặc biệt vào buổi đêm nên hay khóc.
Lúc này bố mẹ nên cho trẻ ăn thêm một bữa nhẹ là sữa chua, sữa tươi hoặc bơ đậu phộng trước khi đi ngủ.
Trẻ mọc răng
Mọc răng sẽ kéo dài cho đến khi trẻ học tiểu học (rụng răng sữa và mọc răng trưởng thành). Khi 2 tuổi, trẻ sẽ mọc răng hàm, điều này khiến cho trẻ khó chịu thông thường, làm trẻ khó ngủ hơn và đôi khi cũng khiến trẻ thức giấc nửa đêm.
Do thần kinh
Trẻ nhỏ hệ thần kinh còn non nớt, dễ bị căng thẳng bởi các yếu tố bất lợi của môi trường xung quanh. Khi bé bị căng thẳng, biểu hiện đầu tiên mà mẹ thường gặp nhất là quấy khóc.
Thiếu vitamin D
Thiếu vitamin D cũng khiến trẻ 2 tuổi hay khóc đêm, ngủ không ngon giấc. Hiện nay hầu như các bé đã được bổ sung đầy đủ vitamin D ngay từ lúc mới sinh ra nên tỷ lệ thiếu vitamin D thường không cao.
Trẻ bị đái dầm
Do chưa kiểm soát được hoàn toàn khả năng đi tiểu tiện, nên ban đêm trẻ rất dễ đái dầm. Nhiều trẻ vẫn ngủ bình thường nhưng số khác thì thức giấc và khóc lóc.
Cách khắc phục tình trạng trẻ 2 tuổi hay khóc đêm
Một số kinh nghiệm hữu ích và mẹo vặt sau sẽ giúp mẹ cải thiện được tình hình:
Tạo thói quen hình thành giấc ngủ cho trẻ
Mẹ hãy tạo cho trẻ thói quen ngày chơi, đêm ngủ. Bằng cách khuyến khích trẻ tham gia nhiều hoạt động vui chơi, nói chuyện, thời gian ngủ trưa ngắn để tập trung ngủ tối cho thật ngon.
Khi chưa đến giờ ngủ mà trẻ cáu kính, dụi mắt, lim dim, ngáp, mẹ nên vỗ về, xoa lưng để bé thư giãn trở lại.
Ban đêm, trẻ đang ngủ mà tự dưng thức dậy muốn bú sữa, bạn nên hạn chế nói mà vỗ về nhẹ nhàng, không bật đèn sáng để bé nhận thức và hiểu đây là giờ ngủ, không phải giờ chơi.
Thiết lập thời gian ngủ cho trẻ
Mẹ nên thiết lập giờ ngủ cố định để trẻ nhận thức được đến giờ nào mình phải đi ngủ.
Để giúp bé ngỏ ngoan, ngủ sâu hơn, mẹ có thể:
- Giảm dần hoạt động trước giờ đi ngủ.
- Cho trẻ tắm và massage cho trẻ.
- Cho trẻ bú đủ no trước khi ngủ.
- Đọc sách, kể những câu chuyện bé thích; âu yếm, thủ thỉ trò chuyện, chúc bé ngủ ngon.
- Hát ru hoặc cho trẻ nghe những bản nhạc êm dịu.
- Giảm ánh sáng, âm thanh và các hoạt động sẽ khiến bé an giấc hơn.
- Thường xuyên vệ sinh, lau chùi chỗ giường ngủ/ nôi cho bé sạch sẽ, đặt giường, nôi ở những vị trí thoáng mát, nhiệt độ vừa phải…
- Trang trí phòng ngủ theo sở thích của trẻ.
Nếu đã cố gắng áp dụng tất cả các biện pháp trên nhưng tình trạng trẻ 2 tuổi hay khóc đêm vẫn tiếp diễn. Bố mẹ có thể cho bé làm siêu âm thóp hoặc điện não đồ để có thêm kết quả chính xác nhất.
Nên trao đổi kỹ hơn với bác sỹ để xem trẻ có bị các vấn đề về thần kinh hay không để có hướng điều trị phù hợp.
Vậy là mẹ đã hiểu thêm về nguyên nhân và cách xử lý khi trẻ 2 tuổi hay khóc về đêm rồi phải không nào. Mẹ nên cố gắng thực hiện theo đúng lời khuyên sẽ giúp trẻ dễ ngủ hơn. Nếu không khắc phục được thì nên đưa trẻ đi khám xem có bị mắc bệnh gì không.