Những cách trị ho có đờm cho trẻ không cần đến kháng sinh
Thời tiết giao mùa dễ khiến bé bị mắc các bệnh về đường hô hấp như ho, viêm họng. Các cơn ho kéo dài không những gây nguy hại đến sức khỏe của trẻ mà còn khiến trẻ khó chịu, quấy khóc thường xuyên.
Thời điểm giao mùa là thời gian gây nên ho có đờm nhiều nhất đặc biệt ở trẻ em. Ths.Bs Đặng Huyền Nga (BV đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội) cho biết: Nguyên nhân gây ho có đờm là sự tăng tiết chất nhầy trong cổ họng làm cổ họng ngứa ngáy khó chịu và làm cản trở quá trình hô hấp của cơ thể. Khi đờm trong cổ họng tăng quá mức bình thường thì cơ thể xảy ra một phản xạ tự nhiên là ho - bật mở nắp thanh quản một cách mạnh mẽ để đẩy dị vật ra ngoài là đờm.
Khi bị mắc những căn bệnh này, trẻ thường hay bị nôn trớ, đau họng, chán ăn, ảnh hưởng đến việc hấp thụ dinh dưỡng và cả tinh thần của trẻ.
Tìm cách khắc phục những căn bệnh thường gặp này là nỗi trăn trở của nhiều bậc cha mẹ. Ths.Bs Đặng Huyền Nga (BV đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội) mách các mẹ một vài phương pháp chữa ho dứt điểm cho trẻ mà không cần đến kháng sinh.
Trị ho có đờm, viêm họng bằng lá húng chanh:
Theo Đông y, húng chanh có tác dụng phát tán phong hàn, tiêu đờm, sát khuẩn, dùng để chữa ho, viêm họng, cảm cúm, hen suyễn, sốt...
Theo từ điển Cây thuốc và động vật làm thuốc, húng chanh chứa tinh dầu, thành phần chủ yếu là carvacrol có tác dụng ức chế mạnh các vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp.
Húng chanh hấp đường phèn để trị ho cho con đơn giản mà hiệu quả.
Cách dùng:
- Chữa ho đờm thông thường: Rửa sạch 15-16 lá húng chanh, 4-5 quả quất xanh và xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố. Thêm đường phèn vừa đủ, hấp cách thủy khoảng 20 phút và cho bé uống liên tục 1-2 lần mỗi ngày đến khi hết ho.
- Chữa ho nhiệt, viêm họng, khàn tiếng: Rửa sạch và thái nhỏ 20g lá húng chanh tươi. Giã dập lá húng chanh với 20g đường phèn, sau đó trộn với 10ml nước sôi để cho ngấm, rồi gạn lấy nước cho trẻ uống ngày 2 lần.
Cây rẻ quạt trị ho và viêm họng
Theo y học cổ truyền, cây rẻ quạt (trong đông y có tên gọi là xạ can), có công dụng làm long đờm (loãng đờm), nhất là những trường hợp viêm nhiễm đường hô hấp trên bị tái phát do thời tiết, đặc biệt là vào mùa lạnh.
Cây rẻ quạt là một vị thuốc trong Đông y
Cách dùng:
Lá rẻ quạt còn tươi (có thể dùng củ) đem phơi khô, rồi lấy độ 5-6 gr đem sắc (nấu) lấy nước uống nhiều lần trong ngày. Có thể dùng kết hợp với 1 gr cam thảo, 1-2 củ sâm đại hành tươi, 1-2 lá mạch môn đem sắc chung để lấy nước dùng hết trong ngày.
Trường hợp bị viêm amidan, lấy 10 lá rẻ quạt tươi cho cùng một ít muối ăn giã nhuyễn, rồi cho vào 100 ml nước chín, trộn đều rồi dùng nước này ngậm vào buổi sáng và tối để súc họng (súc xong bỏ nước chứ không nuốt).
Tuy nhiên, cần lưu ý, không dùng cây rẻ quạt với phụ nữ đang mang thai, người cho con bú. Không lạm dụng quá nhiều việc nhai lá sẽ dẫn đến phồng rộp niêm mạc miệng.
Lá hẹ và mật ong
Theo Đông y, hẹ vị cay hơi chua, hăng, tính ấm, có tác dụng trợ thận, bổ dương, ôn trung, hành khí, tán huyết, giải độc, cầm máu, tiêu đờm. Vì có tác dụng tiêu đờm và chứa kháng sinh tự nhiên nên có tác dụng chữa ho và viêm họng cực kì hiệu nghiệm.
Cách dùng:
Các mẹ chuẩn bị 5 – 10 lá hẹ, một lượng đường phèn, cho lá hẹ và đường phèn vào bát, hấp cách thủy sau đó chắt lấy nước cho bé uống. Mỗi lần cho bé uống khoảng 2-3 thìa cà phê, uống 2 lần/ngày. Đối với trẻ trên 1 tuổi có thể cho trẻ uống nước xay từ lá hẹ với mật ong, uống sống không cần hấp cũng được.
Các mẹ cũng có thể lấy 5 – 10 lá hẹ, 2 – 3 quả quất non, 1 nhánh hoa đu đủ đực (hoặc có thể thay bằng hoa hồng bạch), ½ thìa mật ong cho vào nồi cơm hấp, lấy nước cho bé uống ngày 1 – 2 lần.