Nấu ăn với bé là một hoạt động gia đình rất dễ dàng và thú vị. Nếu bé được mẹ dạy nấu ăn bây giờ, bé sẽ tiếp tục phát triển với những thói quen lành mạnh khi lớn lên. Không những thế, đây cũng là 1 trong những cách giúp trẻ yêu thích bữa ăn và kích thích ăn uống hơn, tránh tình trạng biếng ăn cũng như nguy cơ suy dinh dưỡng đối với trẻ thiếu chất. (Tìm hiểu thêm tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em)
Mẹ hãy tiếp tục đọc để nâng cao trình ‘nấu ăn cùng bé’ và trang bị những bí quyết hay để thử trong bếp cùng bé yêu nhé!
Bé học nấu ăn sẽ phát triển những thói quen lành mạnh sau này
Nấu ăn cùng bé 2-3 tuổi như thế nào?
Ở độ tuổi này, bé thích khám phá đồ ăn qua việc nhìn, sờ mó, ngửi mùi, lắng nghe và nếm vị. Chúng thường thích làm việc một mình. Mẹ hãy cố gắng để bé làm những việc nhỏ như:
- Rửa trái cây và rau củ ở vòi nước.
- Cho thêm đồ ăn vào đĩa. Ví dụ: trang trí món thịt với vài lát cà chua hay rau thơm.
- Ngửi đồ ăn, rau củ bạn đang nấu.
- Tìm giúp mẹ rau củ, trái cây trong tủ lạnh hay gia vị trong tủ bếp.
Mẹ hãy để ý, nhiều bé cảm thấy thú vị khi nhìn mẹ nấu ăn, vì thế hãy luôn cập nhật với bé mẹ đang làm những công đoạn gì trong khi nấu. Có thể áp dụng cách cho bé một chiếc nồi với chiếc muỗng để bé nghịch dưới đất. Mẹ hãy thông báo cho bé biết mẹ đang làm gì như “Mẹ đang luộc rau cho con nè!”, “Mẹ đang cho thịt vào nồi, con nấu tới đâu rồi?”. Đặt nhiều câu hỏi cho bé khi bé đang nghịch ví dụ như "Con đang làm gì thế?" "Con nấu món gì đó?" "Con ngửi thấy mùi thơm không?".
Nấu ăn với bé 3-4 tuổi như thế nào?
Ở tuổi này, bé thường hứng thú hơn khi nói chuyện hơn là ăn uống. Việc nấu ăn sẽ giúp bé hứng thú hơn với đồ ăn. Mẹ hãy thử cho bé làm những việc sau:
- Tự bóc vỏ trứng từ trứng luộc.
- Rót các loại chất lỏng bằng những chiếc cốc đo lường.
- Làm một chiếc bánh sandwich đơn giản với nguyên liệu có sẵn.
- Miêu tả hình thù, màu sắc và mùi vị của đồ ăn.
- Dầm bơ, dâu hay chuối để xay sinh tố.
Nấu ăn với bé 4-6 tuổi như thế nào?
Ở tuổi này, nhiều bé cho thấy dấu hiệu biếng ăn rõ rệt. Bé có thể không chịu ăn đồ ăn mà mẹ bé chuẩn bị tuy nhiên, mẹ nên kiên nhẫn vì việc nấu ăn như là khâu khởi động để bé thử những món ăn mới. Mẹ nên để bé làm những việc sau:
- Kết hợp và trộn các loại đồ ăn với nhau. Ví dụ: kết hợp các loại hạt và các loại trái cây để ăn cùng với sữa chua.
- Dùng muỗng nhựa để ăn.
- Đánh trứng giúp mẹ để làm món chả trứng.
- Nấu ăn với các anh chị của bé hoặc bạn đồng lứa khác để tạo nên không khí gia đình.
Bé có thể học nấu ăn cùng anh, chị trong nhà
Nấu ăn với bé 6-8 tuổi như thế nào?
Ở độ tuổi này, bé có thể làm theo những công thức đơn giản trong sách nấu ăn. Mẹ hãy để bé làm những việc sau:
- Sử dụng những dụng cụ nhà bếp đơn giản như máy nướng bánh, máy xay, mở hộp... sau khi mẹ đã chỉ dẫn cho bé cách dùng đúng cách.
- Làm một món gỏi cuốn đơn giản.
- Trộn salad với dầu ô-liu và kết hợp những loại rau quả lại với nhau.
- Làm một món trái cây dầm hay một món sinh tố đơn giản.
- Viết danh sách những đồ ăn vặt khỏe mạnh trẻ thích ăn.
- Liệt kê danh sách đi chợ.
- Làm một món tráng miệng đơn giản: sữa chua với trái cây, bánh mỳ nướng đậu phộng…
Bé 6-8 tuổi có thể làm món rau trộn đơn giản
Nấu ăn với bé 8-11 tuổi như thế nào?
Trẻ ở độ tuổi này đã biết cách hiểu làm thế nào để sử dụng các dụng cụ nhà bếp một cách đúng đắn. Mẹ hãy cố gắng để trẻ làm những việc sau:
- Tự chuẩn bị đồ ăn trưa tới trường.
- Chuẩn bị một túi trái cây trước khi ra khỏi nhà.
- Tự quyết định mình cần những món ăn gì để cân bằng các bữa ăn.
Các mẹ thấy đấy! Nấu ăn cùng bé không hề khó đúng không? Với các lưu ý trên, mẹ có thể giúp bé tránh được tình trạng biếng ăn cũng như ngăn nguy cơ suy dinh dưỡng.Các mẹ hãy ghi chép những bí quyết đơn giản ở trên để áp dụng ngay tối nay khi nấu ăn với bé nhà mình nhé!